Blog

ESG: Tiêu chuẩn hướng tới phát triển bền vững

ESG là bộ tiêu chuẩn quốc tế được đặt ra để hướng đến sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Khái niệm này đang dần trở nên phổ biến trên thị trường Việt Nam, với ngày càng nhiều công ty tham gia triển khai. Vậy chính xác thì ESG là gì? ESG có vai trò gì trong việc phát triển doanh nghiệp? Cùng tìm hiểu tổng quan về bộ tiêu chuẩn này để hiểu, liệu thực hành ESG có thực sự cần thiết.

ESG là gì?

ESG là từ viết tắt cho 03 yếu tố: Môi trường (Environment) – Xã hội (Social) – Quản trị (Governance). Có thể hiểu, ESG là các tiêu chí nhằm đánh giá tác động của doanh nghiệp đến 03 hoạt động này, từ đó định hướng doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, cải thiện hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững. Hiện nay, nguyên tắc ESG đã được nhiều doanh nghiệp quốc tế sử dụng phổ biến, đóng vai trò quan trọng trong chính sách quản lý nội bộ và tìm kiếm đối tác của họ.

Môi trường (Environment)

Môi trường là yếu tố đang được nhiều doanh nghiệp chú trọng ưu tiên khi triển khai ESG. Một trong những nguyên nhân lớn nhất thúc đẩy điều này là các chế tài, quy định của các nước trên thế giới cũng như ở chính Việt Nam để bảo vệ môi trường. Nguyên tắc ESG quy định phương thức doanh nghiệp kiểm soát các tác động, quản lý rủi ro và cơ hội liên quan đến môi trường trong quá trình xây dựng, vận hành và kinh doanh.

Một số yếu tố môi trường trong nguyên tắc ESG thường xuyên được nhắc đến là khí hậu, ô nhiễm, sử dụng tài nguyên,…

Xã hội (Social)

Xã hội là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động trong nguyên tắc ESG. Yếu tố này quy định cách doanh nghiệp kiểm soát các ảnh hưởng lên xã hội (khách hàng, nhân sự, cộng đồng), quản lý các rủi ro và cơ hội đến từ mối quan hệ của doanh nghiệp với xã hội. Nhìn chung, yếu tố xã hội trong ESG sẽ định hướng doanh nghiệp đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đối tác và khách hàng, từ đó hoàn thiện mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, hướng tới vận hành bền vững.

Một số yếu tố xã hội trong ESG thường xuyên được nhắc đến là mối quan hệ lao động/quản lý, an toàn sức khoẻ nghề nghiệp, bảo mật thông tin khách hàng, trách nhiệm cộng đồng,…

Quản trị (Governance)

Quản trị là yếu tố liên quan chủ yếu đến việc quản lý doanh nghiệp. Nguyên tắc ESG giúp doanh nghiệp xác định cách mình đang tổ chức hoạt động, quản lý những rủi ro và cơ hội từ việc quản trị doanh nghiệp theo phương thức đó. Qua những tiêu chí này, ESG trở thành cơ sở để doanh nghiệp cải thiện hoạt động quản trị của mình, thay đổi quy trình và quy định cần thiết để thúc đẩy ban lãnh đạo đưa ra các quyết định hiệu quả cho lợi ích công ty.

Một số yếu tố quản trị trong ESG thường xuyên được nhắc đến là công khai và minh bạch, cơ cấu và chức năng ban quản trị, quyền và lợi ích,…

Nội dung cốt lõi của từng khía cạnh ESG theo PwC.
Nội dung cốt lõi của từng khía cạnh ESG theo PwC.

Vai trò của ESG trong việc phát triển doanh nghiệp

Việc tích hợp ESG đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp khi cải thiện năng lực bên trong, phòng ngừa các rủi ro bên ngoài và tận dụng các cơ hội của thị trường. Tổng quan, có 05 lợi ích rõ ràng nhất khi doanh nghiệp tích hợp ESG trong hoạt động kinh doanh.

  • Thúc đẩy nhân sự làm việc hiệu quả

ESG giúp đảm bảo quyền lợi của nhân sự, đem lại môi trường làm việc lí tưởng để từng cá nhân phát triển năng lực và nhận lại những đãi ngộ tương xứng. Tích hợp ESG, doanh nghiệp có thể nhận thức được những điểm mạnh, điểm yếu của mình trong hoạt động quản trị nhân sự để tiếp tục cải thiện, thu hút và giữ chân nhân tài. Khi quyền lợi được đảm bảo, các nhân sự sẽ an tâm làm việc, có thể tập trung toàn lực để công tác.

  • Tối ưu hoá nguồn lực

ESG giúp doanh nghiệp phân tích được những ảnh hưởng của hoạt động hiện tại tới 03 trụ cột chính, từ đó nhìn ra những thiếu sót chưa thể xử lý gây lãng phí tài nguyên. Đảm bảo tuân thủ các tiêu chí về ESG giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguồn lực về năng lượng, nhân sự, tập trung đầu tư vào những hoạt động đem lại giá trị cho công ty, giảm thiểu những chi phí phát sinh không cần thiết.

  • Mở rộng cơ hội phát triển

Ngày càng nhiều doanh nghiệp quốc tế triển khai ESG. Để hợp tác với các đơn vị này, có ý thức thực hành ESG là điểm cộng vô cùng lớn trong bối cảnh chưa có nhiều công ty tại Việt Nam triển khai ESG. Việc thực hành ESG sẽ thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo công ty, tạo dựng niềm tin cho các đối tác. Đồng thời, đây cũng là con đường cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư xanh, mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.

  • Tận dụng chính sách của Nhà nước

Hiện nay, Việt Nam cũng đã xây dựng nhiều chế tài, quy định khuyến khích các doanh nghiệp thực hành ESG, đặc biệt là với yếu tố môi trường. Chủ động tuân thủ ESG cho phép doanh nghiệp tận dụng hỗ trợ từ chính phủ trong giai đoạn đầu như các chương trình đào tạo, tư vấn chuyên gia, giảm thuế,…

Yếu tố quan trọng nhất khi thực hành ESG

Để thực hành ESG, có 03 thành phần doanh nghiệp cần tìm hiểu:

  • Bộ tiêu chuẩn

Bộ tiêu chuẩn ESG là yêu cầu chất lượng cụ thể dùng trong báo cáo ESG, bao gồm các tiêu chí hoặc chỉ số chi tiết về các nội dung cần được báo cáo cho từng khía cạnh trong ESG. Một số bộ tiêu chuẩn ESG phổ biến là GRI, ISAB,…

  • Khung tham chiếu

Khung tham chiếu ESG là một bộ quy tắc hướng dẫn và xây dựng hiểu biết chung về một khía cạnh ESG cụ thể nhưng chưa xác định nghĩa vụ báo cáo. Có thể áp dụng khung tham chiếu ESG khi chưa có tiêu chuẩn và theo từng bối cảnh. Một số khung tham chiếu ESG phổ biến là PCAF, IFC, CDP,…

  • Xếp hạng và đánh giá

Việc xếp hạng và đánh giá ESG sẽ được thực hiện và công khai bởi các bên thứ ba là các tổ chức xếp hạng chuyên nghiệp. Một số tổ chức phổ biến với các bảng xếp hạng ESG là MSCI, S&P, GGEI,… Việc đăng ký đánh giá với các tổ chức này là không bắt buộc, tuy nhiên báo cáo ESG của doanh nghiệp sẽ có độ uy tín cao hơn rất nhiều và đồng thời doanh nghiệp cũng sẽ nhận được tư vấn phát triển ESG theo lộ trình bài bản hơn.

Tuy nhiên cần hiểu rằng, không có một khung ESG cố định phù hợp với tất cả các doanh nghiệp. Mỗi ngành có đặc thù riêng, và mỗi doanh nghiệp lại có cơ cấu tổ chức, định hướng phát triển của riêng mình. Việc ứng dụng ESG suy cho cùng là để hướng tới mục tiêu lớn nhất: phát triển bền vững. Các doanh nghiệp nên tập trung vào việc thực hành thật, đem lại giá trị thật, thay vì chạy theo những báo cáo và xếp hạng.

03 thành phần khi đánh giá ESG theo Sổ tay hướng dẫn mức độ thực hành kinh doanh bền vững của doanh nghiệp theo khung ESG của USAID.
03 thành phần khi đánh giá ESG theo Sổ tay hướng dẫn mức độ thực hành kinh doanh bền vững của doanh nghiệp theo khung ESG của USAID. 

Thực hành ESG có cần thiết?

Dù chưa có nhiều quy định bắt buộc tất cả doanh nghiệp phải tuân thủ ESG, việc thực hành ESG là cần thiết để các công ty bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, tối ưu cơ hội và tối thiểu thách thức. Hơn thế, không chỉ có vai trò tuân thủ quy định pháp lý hay làm thương hiệu, ESG còn là phương pháp minh bạch đưa các doanh nghiệp phát triển bền vững chắc chắn nhất.