Blog
Biến mục tiêu thành hành động
Những định nghĩa liên quan đến kinh doanh bền vững như CSR (trách nhiệm xã hội), ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) đang ngày càng phổ biến và trở thành một trong những yếu tố đáng lưu tâm được nhiều doanh nghiệp bổ sung vào mục tiêu kinh doanh. Nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng và tâm huyết để biến những mục tiêu đó thành hành động.
Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp hiện thực hoá các mục tiêu kinh doanh bền vững thành hành động, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển bền vững?
Mục tiêu kinh doanh: Công cụ hay đạo đức?
Có 02 cách tiếp cận phổ biến về mục đích của mục tiêu kinh doanh: Cách tiếp cận công cụ và Cách tiếp cận đạo đức
Cách tiếp cận công cụ cho rằng, mục tiêu kinh doanh gắn liền với lợi nhuận, là công cụ củng cố lợi nhuận. Mục tiêu được đặt ra để các bên liên quan cảm thấy gắn kết và tin tưởng công ty, từ đó nỗ lực hơn nữa để phát triển doanh nghiệp, tạo ra các giá trị. Với cách tiếp cận này, mục đích của mục tiêu kinh doanh chính là lợi nhuận.
Cách tiếp cận đạo đức cho rằng, mục tiêu kinh doanh gắn liền với đạo đức doanh nghiệp. Để thực hiện mục tiêu đạo đức, doanh nghiệp sẽ có thể phải đánh đổi lợi nhuận nhất định. Cách tiếp cận này sẽ không đơn thuần thúc đẩy các bên liên quan tạo ra giá trị, mà đồng thời giao trách nhiệm để họ duy trì đạo đức doanh nghiệp. Với cách tiếp cận này, mục đích của mục tiêu kinh doanh là triết lý của doanh nghiệp.
Sự khác biệt lớn nhất giữa hai cách tiếp cận này nằm ở việc, cách tiếp cận công cụ sẽ xếp lợi nhuận là ưu tiên hàng đầu, sẵn sàng từ bỏ thực hiện những mục tiêu khác nếu chúng ảnh hưởng đến lợi nhuận. Trong khi đó, cách tiếp cận đạo đức có thể chấp nhận hy sinh một số lợi ích doanh thu để đảm bảo mục tiêu kinh doanh.
Ví dụ các doanh nghiệp đặt mục tiêu kinh doanh bền vững vì con người.
Theo cách tiếp cận thứ công cụ, các doanh nghiệp có thể tiến hành một số hoạt động từ thiện để truyền thông, nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, từ đó tạo dựng sự tin tưởng với các nhân sự và đối tác, thu hút nhân tài và đầu tư vào công ty. Tuy nhiên, trong trường hợp cần lựa chọn giữa quyền lợi con người với lợi nhuận, rất có thể các doanh nghiệp này sẽ từ bỏ quyền lợi để duy trì lợi nhuận (VD: Chấp nhận sử dụng nguyên vật liệu kém chất lượng để giảm chi phí)
Theo cách tiếp cận thứ đạo đức, các doanh nghiệp sẽ thực hiện những cải cách mang tính thực tiễn hơn như có chính sách phát triển sự nghiệp cho nhân sự, đầu tư cải tiến sản phẩm thân thiện với môi trường hơn,… Thậm chí, một số doanh nghiệp còn sẵn sàng ngừng kinh doanh những sản phẩm gây tác hại đến con người (VD: Walmart, một chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn tại Mỹ, đã dừng bán thuốc lá tại một số cửa hàng và nâng độ tuổi giới hạn lên nhằm hạn chế lượng thuốc lá bán ra)
Biến mục tiêu thành hành động
Việc chuyển đổi cách tiếp cận mục tiêu kinh doanh từ công cụ sang đạo đức đòi hỏi nhiều nỗ lực từ doanh nghiệp. Có 02 câu hỏi quan trọng doanh nghiệp cần trả lời
1. Thế nào là “tạo ra giá trị”?
Giá trị doanh nghiệp tạo ra cho người lao động hay các bên liên quan thường bị gắn liền với các lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, ngày nay, giá trị doanh nghiệp mang lại còn là các giá trị phát triển cho xã hội, cho các thành viên.
Các nhà đầu tư có thể coi trọng doanh thu, nhưng sẽ ít ai lựa chọn một doanh nghiệp có đãi ngộ tệ với nhân viên hay các doanh nghiệp có hoạt động phát thải gây hại cho môi trường. Tương tự, tiền lương có thể là một yếu tố quan trọng với nhân sự, nhưng các ứng viên cũng sẽ tìm kiếm một doanh nghiệp có những giá trị mà họ tin tưởng.
Doanh nghiệp cần xác định được giá trị mà mình đang tạo ra cho khách hàng, đối tác, nhân sự và các bên liên quan. Đó phải là một giá trị bền vững, tương quan với triết lý của doanh nghiệp. Từ những giá trị này, doanh nghiệp có thể đặt ra những mục tiêu kinh doanh phù hợp, đầy đủ hơn thay vì chỉ bao quát giá trị lợi nhuận.
2. Làm thế nào để kết nối mục tiêu với hành động?
Nếu không làm rõ những hành động cụ thể cần thực hiện, các mục tiêu kinh doanh được đặt ra sẽ chỉ nằm trên giấy. Để hiện thực hoá những mục tiêu đã đề ra, doanh nghiệp cần lên kế hoạch lộ trình và đặt ra các nhiệm vụ cụ thể. Phương pháp này sẽ tạo ra các giải pháp sáng tạo mang tính chuyển đổi gắn liền với thực tế doanh nghiệp và mục tiêu kinh doanh.
Với lộ trình rõ ràng, doanh nghiệp có thể tiến hành từng bước các giai đoạn chuyển đổi cách tiếp cận từ công cụ sang đạo đức, xử lí được thực chất gốc rễ những vấn đề tồn đọng để đưa doanh nghiệp phát triển bền vững.
Cân bằng giữa công cụ và đạo đức
Việc chuyển đổi hoàn toàn sang cách thức tiếp cận đạo đức là rất khó với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Không phải do cách tiếp cận đạo đức không thể đem lại lợi nhuận. Việc theo đuổi một mục tiêu có ích cho xã hội có thể giúp doanh nghiệp thu hút thêm nhiều khách hàng chất lượng trong tương lai. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế khó khăn, duy trì lợi nhuận ổn định là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp trụ vững và giữ chân người lao động.
Trước khi có cơ hội chuyển đổi, doanh nghiệp có thể tiến hành chuyển đổi dần dần, nỗ lực cân bằng giữa cách tiếp cận công cụ và đạo đức. Chìa khoá để thực hiện điều này là cân bằng lợi ích của các bên liên quan.
Doanh nghiệp cần tìm được những giá trị chung mà các bên liên quan này cần, từ đó xây dựng lên một hệ thống mục tiêu, nơi những lợi ích của các bên liên kết và bổ trợ lẫn nhau. Sáng tạo được coi là giải pháp để tạo nên những liên kết chặt chẽ này. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những doanh nghiệp thúc đẩy sự sáng tạo không ngừng ở nhân sự có mối liên kết chặt chẽ nhất giữa mục tiêu và hành động. Khi các bên liên quan cùng đồng lòng hướng về những mục tiêu chung và sẵn sàng chia sẻ thông tin, mọi người đều có khả năng nhìn ra tiềm năng của các giải pháp cho sự phát triển bền vững của tập thể, từ đó sẵn sàng giảm bớt lợi ích của từng cá nhân.
Thay đổi để phát triển bền vững
Bất kỳ thay đổi nào diễn ra đều sẽ cần sự đánh đổi nhất định. Đó không phải là một mất mát, mà là một cơ hội để doanh nghiệp chuyển đổi và tiếp tục phát triển. Lãnh đạo theo mục đích sẽ giúp các doanh nghiệp sáng tạo ra những giải pháp đổi mới có ích hơn với xã hội và môi trường, tạo dựng một tương lai bền vững hơn.