Blog

Khi thị trường khó khăn, doanh nghiệp cần làm gì?

Thị trường đang ở giai đoạn rất bất ổn với nhiều biến động. Doanh nghiệp nhìn chung gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở. Ngoài việc đợi chờ các chính sách hỗ trợ từ chính phủ để ổn định tình hình thị trường chung, bản thân doanh nghiệp cần làm gì để củng cố nội tại, sẵn sàng đối mặt với những thử thách ngày càng phức tạp hơn?

Giá trị của doanh nghiệp

Doanh nghiệp cần làm gì khi thị trường khó khăn?
Doanh nghiệp cần làm gì khi thị trường khó khăn?

Mục đích chính của doanh nghiệp là kinh doanh. Mục đích chính của kinh doanh là tạo ra lợi nhuận. Muốn thực hiện được điều này, kinh doanh phải tạo ra giá trị cho khách hàng. Chính vì vậy, về mặt bản chất, kinh doanh là tạo ra giá trị. Vậy giá trị là gì?

Giá trị là thứ khiến người ta sẵn sàng đánh đổi một thứ khác để có. Nói một cách nôm na, giá trị là thứ khách hàng sẵn sàng bỏ tiền ra để mua. Đây cũng chính là nền tảng cho việc hình thành doanh nghiệp.

Doanh nghiệp duy trì hoạt động của mình khi có khách hàng trả tiền cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Nếu khách hàng không còn sẵn sàng trả tiền cho sản phẩm, dịch vụ của mình nữa, tức là có hai khả năng xảy ra. Thứ nhất, sản phẩm, dịch vụ của chúng ta bị mất đi giá trị ban đầu, tức là giá trị bị mất. Thứ hai, giá trị vẫn còn nhưng không còn đáp ứng nhu cầu và khách hàng không còn cần giá trị đó nữa, tức là giá trị bị lạc hậu.

Trở lại câu hỏi, khi thị trường khó khăn, doanh nghiệp cần làm gì để củng cố nội tại? Doanh nghiệp phải đánh giá lại xem giá trị của mình bị mất hay bị lạc hậu. Nếu giá trị của mình bị mất, nhiệm vụ của doanh nghiệp chính là khôi phục lại giá trị đó. Nếu giá trị của mình bị lạc hậu, nhiệm vụ của doanh nghiệp là tìm ra một giá trị mới. Nếu giá trị nửa mất nửa còn, nửa lạc hậu nửa không, nhiệm vụ của doanh nghiệp là phải kết hợp cả hai cách tiếp cận trên. Còn tạo ra giá trị, doanh nghiệp sẽ còn có khách hàng và sẽ vẫn tiếp tục tồn tại được.

Làm gì khi giá trị bị mất?

Trước hết, doanh nghiệp cần nhìn lại những giá trị mình đang cung cấp là gì, đánh giá xem liệu chúng đã biến mất chưa. Việc này có thể tiến hành theo 03 bước như sau:

Bước 01: Xác định giá trị của doanh nghiệp trong quá khứ, đặc biệt chú trọng tới giá trị mang tới cho các khách hàng đầu tiên.

Bước 02: Xác định giá trị của doanh nghiệp hiện tại, đặc biệt chú trọng tới thời điểm doanh nghiệp bắt đầu thấy khó khăn.

Bước 03: So sánh giá trị ở bước 02 và bước 01 sẽ tìm ra được phần giá trị bị mất.

Để xác định tốt hơn các giá trị ở bước 01 và bước 02, chúng ta có thể sử dụng mô hình hệ thống kinh doanh (business system) của McKinsey. Về cơ bản, mô hình này giúp doanh nghiệp xác định được các giá trị sinh ra ở đâu trong quá trình hoạt động, bao gồm các khâu sau:

  • Thiết kế sản phẩm, dịch vụ
  • Tạo ra sản phẩm, dịch vụ
  • Cung cấp sản phẩm, dịch vụ
  • Phục vụ, chăm sóc khách hàng
  • Giá thành
Doanh nghiệp cần phân tích và so sánh để xác định giá trị mình cung cấp.
Doanh nghiệp cần phân tích và so sánh để xác định giá trị mình cung cấp.

Trong trường hợp các giá trị cung cấp đã biến mất, doanh nghiệp cần thay đổi để khôi phục hoặc đưa ra các giá trị mới cho khách hàng. Việc này có thể tiến hành theo 07 bước sau:

Bước 01: Xác định các giá trị cần khôi phục (dùng mô hình hệ thống kinh doanh)

Bước 02: Đưa ra thông điệp, mục tiêu (rõ ràng, thường xuyên, liên tục)

Bước 03: Đưa ra kế hoạch hành động (đầu mục, đầu ra, người phụ trách, rủi ro, thời gian, nguồn lực)

Bước 04: Phân bổ nguồn lực thực hiện kế hoạch (tài chính và phi tài chính)

Bước 05: Thực hiện kế hoạch

Bước 06: Theo dõi và đánh giá (sản phẩm, số lượng và chất lượng)

Bước 07: Đưa ra các điều chỉnh cần thiết

Lãnh đạo là nền tảng

Điều khó nhất trong cách tiếp cận này chính là người lãnh đạo phải thuyết phục được nhân sự cùng bắt tay vào làm. Muốn thuyết phục được thì người lãnh đạo phải đảm bảo ít nhất 02 yếu tố:

Thành thật: có thành thật thì mới tạo được niềm tin, có niềm tin tin thì mới có hành động

Quyết tâm: không quyết tâm thì toàn bộ hệ thống cũng sẽ không quyết tâm, không quyết tâm thì không làm đến cùng, không làm đến cùng thì không có kết quả.

Thành thật bao gồm hai khía cạnh: với nhân sự và với chính mình. Trong đó thì thành thật với chính mình là khó nhất vì bản năng của con người là tự biện hộ để không phải chịu đựng hậu quả khó nhọc về tâm lý. Quá trình xác định giá trị bị mất là một quá trình như thế.

Quyết tâm thể hiện trên 03 khía cạnh: thông điệp rõ ràng, thường xuyên, liên tục; có hành động thực tế; phân bổ nguồn lực đầy đủ.

Lãnh đạo cần cổ vũ nhân sự cùng đồng hành phát triển giá trị cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo cần cổ vũ nhân sự cùng đồng hành phát triển giá trị cho doanh nghiệp.

Như vậy, bài viết đã trình bày khái quát góc nhìn về 03 vấn đề: (1) xác định giá trị bị mất; (2) khôi phục giá trị bị mất và (3) điều kiện yêu cầu. Hy vọng góc nhìn này sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm cách tiếp cận để giải quyết câu hỏi: Khi thị trường khó khăn, doanh nghiệp cần làm gì?

Tre Tháng Tám

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của người viết, không thể hiện quan điểm của Vilai Việt.