Blog

Làm thế nào để nhân sự gắn bó với doanh nghiệp?

Công ty không chỉ là nơi để làm việc, mà là nơi chúng ta dành phần lớn thời gian cuộc đời. 8 tiếng một ngày, ít nhất 40 giờ làm việc mỗi tuần, thời gian một người ở công ty còn nhiều hơn thời gian ở nhà. Chính vì vậy, chỉ cần có một chút cảm giác không gắn kết, sẽ không thể tránh khỏi việc nhân sự không thoải mái và không sẵn sàng hết mình cho công việc. Đây là một trong số những yếu tố quan trọng khiến nhân sự không thể gắn bó với công ty, làm giảm năng suất công việc.

Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp tạo cảm giác gắn kết và khiến nhân sự cảm thấy được chào đón ở công ty? Tìm hiểu ngay những yếu tố chính ảnh hưởng đến cảm xúc của nhân sự và 04 hoạt động doanh nghiệp có thể thử nghiệm để giúp họ gắn kết hơn.

Thế nào là cảm giác gắn kết?

Cảm giác gắn kết, hiểu đơn giản, là cảm giác được đón nhận và chấp nhận bởi một nhóm nhất định. Trong môi trường làm việc, đa phần mọi người đều đồng tình rằng họ có cảm giác gắn kết khi cống hiến của mình được công nhận và có thể liên kết với đồng nghiệp cùng các giá trị của công ty. Điều này dẫn đến vấn đề: một môi trường làm việc chỉ có thể đem tới cảm giác gắn kết cho một nhóm người nhất định, trong khi có thể khiến những người khác cảm thấy lạc lõng hoặc không thể thích nghi.

Lý do là không thể có một môi trường hoàn hảo phù hợp với tất cả mọi người. Mỗi người đều có tính cách và sở thích riêng biệt. Những đặc điểm tích cực trong mắt người này có thể là tiêu cực đối với người khác. Các nhân sự cần thời gian để hiểu và điều chỉnh, dung hoà những sự khác biệt để tạo nên một môi trường làm việc đoàn kết.

Mọi thứ đều bắt đầu từ những người lãnh đạo…

Khi một đội nhóm mới được thành lập, hoặc một nhân sự mới gia nhập, tất cả các thành viên đều cần thời gian để thích nghi. Việc họ có thể hoà hợp với nhau đến đâu phụ thuộc phần lớn vào người lãnh đạo nhóm.

Người lãnh đạo cần có khả năng xác định liệu tất cả các thành viên có cảm giác mình được chào đón hay không. Điều đó có thể đến từ một cử chỉ thân thiện, một sự lưu tâm khi sẵn sàng giải thích trò đùa nội bộ (inside joke), hay đơn giản là một câu hỏi xã giao để hiểu nhau hơn,… Nếu các thành viên sẵn lòng nỗ lực gắn kết trong hầu hết các khía cạnh công việc thì nhiều khả năng, đa số thành viên sẽ cảm thấy gắn kết hơn.

Trong quá trình thích nghi này, các xung đột có thể xảy ra. Nhiệm vụ của người lãnh đạo là làm nổi bật vai trò của từng thành viên và trở thành cầu nối giữa họ. Điều này sẽ giúp các thành viên nhìn nhận quan điểm của nhau, hiểu vai trò của từng cá nhân trong bức tranh phát triển chung và trở nên bao dung hơn. Khi họ đã thừa nhận sự khác biệt của nhau, người lãnh đạo có thể khuyến khích các nhân sự của mình bày tỏ ý kiến dõng dạc hơn mà không sợ làm mất lòng đồng nghiệp.

Theo nghiên cứu đã chỉ ra, sự trao quyền, trách nhiệm, dũng khí và sự khiêm tốn của một người lãnh đạo đóng vao trò quan trọng trong việc khuyến khích các nhân sự thể hiện bản thân, từ đó nâng cao sự hợp tác trong nhóm, tăng năng suất và sự cam kết. Tuy nhiên, không dễ để nhận diện ai đang cảm thấy lạc lõng khi người đó chưa chủ động chia sẻ. Có 04 hoạt động một người lãnh đạo có thể áp dụng để xây dựng một đội nhóm đoàn kết hơn.

Trưởng nhóm đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cảm giác gắn kết tại nơi làm việc
Trưởng nhóm đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cảm giác gắn kết tại nơi làm việc.

 

LEAP: 04 hoạt động để thúc đẩy cảm giác gắn kết

1. Lắng nghe & Tìm hiểu (Listening & Learning)

Là một người lãnh đạo, bạn cần cố gắng lắng nghe và tìm hiểu về từng thành viên trong đội ngũ của mình. Không chỉ dừng lại ở công việc, hãy cố gắng hiểu con người họ. Sở thích của họ là gì, nền tảng gia đình ra sao, trong thời gian rảnh họ thường làm gì,… Tất nhiên, đừng trông đợi họ sẽ hoàn toàn cởi mở với bạn. Một số người muốn tách bạch công việc với đời sống cá nhân, và điều đó là hoàn toàn bình thường. Chưa kể, bạn vẫn là cấp trên, nên họ sẽ khó có thể thoải mái một cách tuyệt đối.

Tuy nhiên, bằng cách lắng nghe và tìm hiểu, bạn sẽ hiểu thêm về suy nghĩ của từng thành viên, thậm chí xoá bỏ một số định kiến về họ. Qua đó, bạn có thể điều phối tương tác giữa các thành viên tốt hơn, chỉ định những công việc phù hợp hơn với từng người, giảm xung đột và cải thiện khả năng làm việc nhóm một cách tối ưu.

2. Kết nối (Engaging)

Thay vì chỉ đơn thuần yêu cầu họ chia sẻ suy nghĩ, hãy thử tạo ra những cuộc trò chuyện trong môi trường khác ngoài công việc. Hẹn gặp trao đổi với nhân sự ở quán café gần công ty, rủ một vài thành viên cùng đi ăn, cùng nhau tham gia một môn thể thao đồng đội,… Hãy chân thành và để các thành viên trong nhóm hiểu rằng cuộc hẹn này chỉ mang tính cá nhân thân thiện. Nghe có vẻ mang tính chủ đích, nhưng cách này sẽ giúp họ bớt dè chừng.

Việc thay đổi môi trường có thể tạo nên bầu không khí hoàn toàn khác biệt, giúp xoá nhoà khoảng cách giữa nhân sự và lãnh đạo. Với tâm lý thoải mái hơn, họ sẽ sẵn sàng cởi mở hơn. Bạn có thể sẽ biết được thêm nhiều điều mà họ thường sẽ ít chia sẻ trong những cuộc họp chính thức.

3. Hỏi han & Trân trọng (Asking & Appreciating)

Là một người lãnh đạo, đừng chỉ tiếp nhận công việc của nhân sự một cách thụ động. Hãy dành thời gian phản hồi và thể hiện sự trân trọng đối với công sức của họ. Thay vì xây dựng một hệ thống phân cấp cứng ngắc, hãy tạo mối quan hệ mentor-mentee (tạm dịch: cố vấn – người học hỏi). Khi hiểu rằng họ có thể nhận được lời khuyên để trở nên tốt hơn, họ sẽ không còn sợ hãi việc nêu ý kiến và thảo luận những góc nhìn khác nhau với các đồng nghiệp.

Nếu có thể, hãy tạo cơ hội để thành viên trong nhóm hiểu được công việc của nhau và vai trò của từng người trong nhóm. Tìm cách từng cá nhân có thể hỗ trợ nhau trong công việc chung, trong sự nghiệp và kinh nghiệm của nhau. Hãy làm họ trân trọng những đóng góp của nhau. Bằng cách đó, mọi người sẽ hiểu rằng mình quan trọng trong tập thể và cảm thấy gắn kết.

4. Hỗ trợ (Providing Support)

Hoạt động cuối cùng giúp một người lãnh đạo tạo cảm giác gắn kết trong môi trường làm việc chính là thể hiện sự hỗ trợ rõ ràng. Hãy dũng cảm chỉ ra những hành vi tiêu cực có thể khiến nhân sự nản lòng, hoặc đơn giản là giúp ai đó giải thích khi họ bị hiểu nhầm. Hãy quan tâm đến những thành viên cảm thấy lạc long và đồng hành giúp họ tự tin thể hiện bản thân trước các đồng nghiệp.

Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng mình muốn giảm thiểu xung đột trong nhóm, không phải là chia phe. Điều này đòi hỏi sự tinh tế để tránh gây hiểu lầm rằng bạn đang thiên vị một nhân viên nào đó hơn.

Cảm xúc khi một người thấy gắn kết với môi trường làm việc. Theo báo cáo Creating a Strong Sense of Belonging for All của EY.
Cảm xúc khi một người thấy gắn kết với môi trường làm việc. Theo báo cáo Creating a Strong Sense of Belonging for All của EY.

 

Cảm giác gắn kết bắt đầu từ sự tin tưởng

Yếu tố cốt lõi để tạo ra cảm giác gắn kết là nhắc nhở tất cả mọi người rằng họ có đồng đội và không đơn độc trong nhóm. Chỉ vì một người có ý tưởng khác, không có nghĩa là họ sẽ bị gạt bỏ khỏi tập thể. Hãy giúp các thành viên tin tưởng lẫn nhau và cảm thấy an toàn để nêu lên ý kiến của mình. Đây là nền tảng để tạo nên một đội nhóm cởi mở và đoàn kết, sẵn sàng cống hiến hết mình cho công việc.