Blog
Kinh nghiệm thực tập ngành xây dựng
Thực tập là cơ hội để các sinh viên ngành xây dựng được quan sát và ứng dụng các kiến thức đã học vào công trình thực tế. Đây là quãng thời gian quan trọng để các em có thể đánh giá và cải thiện những kỹ năng mình đang thiếu sót, sẵn sàng gia nhập thị trường lao động sau này.
Vậy khi nào là thời điểm thích hợp để sinh viên ngành Xây dựng đi thực tập? Làm thế nào để xin thực tập? Khi đi thực tập cần chú ý những điều gì? Cùng tim hiểu ngay trong bài viết dưới đây!
1. Kinh nghiệm thực tập ngành xây dựng
Thực tập (Internship) là một trong những học phần bắt buộc của các trường đại học. Quá trình thực tập có vai trò tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm làm quen với môi trường làm việc thực tế sau khi tốt nghiệp. Đây chính là giai đoạn quan trọng để sinh viên hiểu rõ hơn về lĩnh vực của mình, từ đó xây dựng định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân.
Trước khi thực tập cần chuẩn bị những gì?
Trước khi thực tập, điều đầu tiên sinh viên cần chuẩn bị chính là một mindset phù hợp.
Các em có thể coi kỳ thực tập là cơ hội để trải nghiệm môi trường làm việc thực tế, hoặc coi đây là một học phần cần hoàn thành để đủ điểm tốt nghiệp. Lựa chọn cách tiếp cận như thế nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phong cách làm việc của các em trong quá trình thực tập. Càng chủ động, sinh viên sẽ học được càng nhiều. Khi thấy được thái độ cầu tiến của sinh viên, doanh nghiệp cũng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ các em tiếp xúc với các công việc đa dạng hơn. Ban đầu có thể là những tác vụ đơn giản như chỉnh sửa biểu mẫu, hồ sơ, sau đó sẽ được hướng dẫn các công việc chuyên môn hơn như bóc tách khối lượng, thiết kế,…
Thông thường, với sinh viên ngành xây dựng, quá trình thực tập sẽ diễn ra ở học kỳ cuối năm 4. Tuy nhiên, nếu đã trang bị tương đối kiến thức, sinh viên có thể xin đi thực tập từ cuối năm 3 để có thêm kinh nghiệm. Để xin thực tập, sinh viên cần chuẩn bị CV nêu bật được những kiến thức, thành tích mình đã đạt được trên giảng đường.
Hãy xác định thời gian các em muốn thực tập, từ đó lên trước lịch học dự kiến kỳ tới cho phù hợp với công việc. Vạch ra rõ ràng các mục tiêu mình muốn đạt được trong kỳ thực tập, những công việc, vị trí mình muốn trải nghiệm. Những điều này sẽ giúp các em trao đổi rành mạch hơn với nhà tuyển dụng khi phỏng vấn xin thực tập.
Trong quá trình thực tập cần chú ý những gì?
Với đặc thù ngành xây dựng, đa phần các doanh nghiệp sẽ không yêu cầu nhiều chuyên môn khi tuyển thực tập sinh. Hầu hết thời gian, các sinh viên sẽ nghiên cứu bản vẽ và thực hiện các công việc hiệu chỉnh tài liệu cơ bản.
Nếu có mong muốn trải nghiệm kỳ thực tập gần với quá trình làm việc nhất, các em cần thể hiện thái độ cầu tiến trong công việc. Khi phỏng vấn xin thực tập và cả trong quá trình thực tập, sinh viên có thể trực tiếp bày tỏ nguyện vọng rõ ràng với quản lý của mình. Nêu rõ nhưng mục tiêu, công việc mà các em muốn trải nghiệm. Ngoài ra, các em có thể chủ động đề xuất hỗ trợ các anh chị đồng nghiệp với những đầu việc đơn giản, từ đó học hỏi thêm từ chính những người đã có kinh nghiệm đi trước.
Sau khi kết thúc thực tập nên làm những gì?
Sau khi kết thúc kỳ thực tập, nếu sinh viên có mong muốn tiếp tục làm việc bán thời gian tại doanh nghiệp để học hỏi hoặc tìm kiếm các cơ hội việc làm sau khi ra trường, hãy duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các anh chị đồng nghiệp. Đồng thời, đừng ngại bày tỏ mong muốn của mình với quản lý trực tiếp và nhân sự HR của công ty.
2. Lời khuyên khi thực tập ngành xây dựng
Các doanh nghiệp xây dựng thường không tuyển dụng thực sinh công khai, hoặc có những kỳ thực tập cố định được tổ chức thường niên trong thời gian ngắn. Mặc dù vậy, sinh viên hoàn toàn có thể chủ động liên hệ với doanh nghiệp qua các kênh thông tin như Fanpage, LinkedIn, etc., để hỏi thêm thông tin. Trong trường hợp phòng ban vị trí sinh viên muốn thực tập đang còn trống, doanh nghiệp hoàn toàn có thể hỗ trợ sắp xếp cho sinh viên tới thực tập. Sinh viên ngành xây dựng cũng có thể tận dụng các mối quan hệ với đàn anh, đàn chị khoá trên, hoặc chính các giảng viên của mình để tìm kiếm doanh nghiệp thực tập.
Điều quan trọng nhất trong quá trình thực tập mà sinh viên ngành xây dựng cần nhớ đó là sự kiên trì. Giai đoạn đầu mới thực tập, các công việc sẽ tương đối đơn giản, thậm chí có phần nhàm chán. Đây là quá trình tất yếu giúp sinh viên làm quen với doanh nghiệp, đồng thời cũng là thời gian doanh nghiệp đánh giá năng lực và thái độ thực tập sinh. Sau khi đã làm quen với công việc và văn hoá doanh nghiệp, thực tập sinh sẽ có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với các công việc mang tính chuyên môn.