Blog
Xử lí bất đồng quan điểm chốn công sở hiệu quả mà không mất lòng
Việc bất đồng quan điểm chốn công sở là điều không thể tránh khỏi và dễ gây ảnh hưởng đến quá trình làm việc của bạn ở một doanh nghiệp. Tuy nhiên, đừng vì thế mà ngại bày tỏ ý kiến của mình. Có 04 chiến lược hiệu quả để thể hiện quan điểm cá nhân mà không sợ mất lòng đồng nghiệp mà bạn có thể tham khảo:
- Xác định mức độ gây tranh cãi của cuộc trò chuyện
- Tìm ra những điểm chung ẩn giấu
- Thể hiện nỗ lực thấu hiểu
- Giảm bớt kỳ vọng
1. Bất đồng quan điểm có tệ đến thế?
Xảy ra bất đồng với đồng nghiệp là cơn ác mộng với nhiều người, đặc biệt là với các bạn trẻ mới bắt đầu đi làm. Những bất đồng này dễ gây mất lòng, khiến quá trình phối hợp làm việc trở nên khó khăn và tạo áp lực vô hình trong môi trường làm việc.
Nhưng trước hết bạn cần hiểu rằng, bất đồng quan điểm chốn công sở là điều hoàn toàn bình thường. Việc các thành viên trong công ty có ý kiến khác nhau có thể cung cấp thêm nhiều góc nhìn cho một vấn đề, góp phần đưa ra giải pháp xử lí toàn diện hoặc sự am hiểu sâu sắc hơn về vấn đề đó.
Tuy nhiên khi không đồng ý với ý kiến nào đó, người ta dễ trở nên gay gắt hơn, dẫn đến bất hoà. Nếu được xử lý đúng cách, một cuộc tranh luận cởi mở sẽ giúp các thành viên hiểu rõ hơn về nhau, từ đó phối hợp tốt hơn trong công việc.
2. Nguyên nhân gây xung đột
Bất đồng ý kiến không phải nguyên nhân gây xung đột. Các trường hợp xung đột gay gắt khi tranh luận thường xảy ra đa phần do hai bên không hiểu rõ lập trường của nhau.
Ví dụ, bạn có ý tưởng về một phương án khác để xử lý yêu cầu của khách hàng. Bạn hào hứng chia sẻ với đồng nghiệp cùng phụ trách dự án, nhưng ngay lập tức đồng nghiệp đó bác bỏ ý kiến và tỏ thái độ khó chịu. Bạn cố gắng thuyết phục họ làm theo phương án của mình bằng cách chỉ ra vô vàn khuyết điểm trong phương án hiện tại. Càng nói hai người càng căng thẳng, cuối cùng kết thúc cuộc trò chuyện trong sự bất mãn.
Một nhóm nghiên cứu tại Mỹ đã đưa ra một “Thang đo sự tranh cãi” (Controversy Scale) gồm 05 chủ đề chính với khả năng gây ra sự xung đột từ thấp đến cao:
- Gu: Những vấn đề liên quan đến sở thích cá nhân như âm nhạc, phim ảnh, ẩm thực…
- Sự thật: Những vấn đề được công nhận hoặc có thể đánh giá bằng số liệu hoặc bằng chứng như các thông tin khoa học, hiệu quả của một giải pháp, ,…
- Chính sách: Những vấn đề liên quan đến chính sách của công ty, nhà nước như quy định xét tăng lương, quy định số ngày nghỉ, chính sách ưu tiên,…
- Giá trị: Những vấn đề liên quan đến niềm tin cá nhân như quan điểm về con người, về tình yêu, tín ngưỡng,…
- Sự công bằng: Những vấn đề liên quan đến sự bình đẳng như quyền, lợi ích, địa vị,…
Những chủ đề liên quan tới sở thích cá nhân, hay các sự thật nhiều người công nhận sẽ ít có khả năng gây ra tranh cãi. Trái lại, những bất đồng ý kiến liên quan tới các giá trị hay sự bình đẳng sẽ dễ trở thành xung đột hơn.
Như trong ví dụ trên, bạn đang so sánh khách quan giữa 02 phương án (sự thật). Trong khi đó, người đồng nghiệp lại cảm thấy bạn đang đánh giá và phê phán năng lực của họ (giá trị). Nếu đối phương hiểu rằng bạn chỉ đang cố gắng đưa ra một giải pháp cải thiện hơn để hai bên cùng nhau phát triển, họ sẽ dễ dàng tiếp nhận và cùng bạn hoàn thành công việc hơn.
Khi tranh luận về một ý kiến, bạn có thể thử xác định lập trường của các bên tham gia trên “Thước đo sự tranh cãi”. Nếu bạn và đối phương đang ở vị trí khác nhau, hãy xác nhận lại lập trường của mình.
3. Xử lý bất đồng quan điểm mà không mất lòng
Để có cuộc tranh luận hiệu quả và cởi mở, có 04 chiến lược mà bạn có thể tham khảo:
- Xác định mức độ gây tranh cãi của cuộc trò chuyện
Bạn có thể sử dụng “Thang đo sự tranh cãi” ở trên để định vị lập trường của mình và đối phương. Để bắt đầu cuộc tranh luận ở một vị thế trung lập, hãy chủ động xác nhận lập trường của hai bên ngay từ đầu và nhắc lại nếu cần thiết khi cuộc tranh luận dần trở nên căng thẳng. Hiểu được lập trường của nhau sẽ giúp hai bên bao dung và có khả năng nhìn nhận khách quan hơn với các quan điểm được đưa ra.
- Tìm ra những điểm chung ẩn giấu
Bạn có thể bắt đầu câu chuyện bằng những điểm chung của mình với người còn lại trước khi đề cập đến quan điểm khác biệt của nhau. Đây là một chiến lược phổ biến khi muốn thuyết phục hoặc phản bác ý kiến của ai đó. Có nền tảng chung sẽ tạo cảm giác thấu hiểu cho đôi bên, giảm sự ức chế khi ý kiến bị phản bác. Tuy nhiên, nếu sử dụng phương pháp này, hãy chắc chắn rằng điểm chung bạn tìm ra có chiều sâu mà không phải ai cũng nhận thấy. Sử dụng những điểm chung phổ biến sẽ tạo cảm giác bạn đang “kiếm cớ” để bắt đầu tranh luận.
- Thể hiện nỗ lực thấu hiểu
Hãy cho đối phương thấy nỗ lực của bạn trong việc tìm hiểu về vấn đề đang bàn luận và quan điểm của họ. Đồng thời, hãy giải thích chi tiết về việc tại sao bạn lại có quan điểm khác với họ và thể hiện rằng dù mình đã cân nhắc và thực sự tôn trọng ý kiến của đối phương, bạn vẫn giữ vững quan điểm ban đầu của mình.
- Giảm bớt kỳ vọng
Bạn không cần phải thắng. Đừng mong bạn có thể thay đổi ý kiến của một người chỉ sau một cuộc tranh luận. Hãy xác định mức độ bạn quan tâm về vấn đề cũng như độ thân thiết của mối quan hệ với người bạn đang tranh luận. Nếu đó là vấn đề không thực sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, đừng cố thuyết phục đối phương ngay lập tức. Hãy cho đối phương và cả bạn thời gian suy nghĩ và phát triển tiếp các luận điểm trong những lần thảo luận sau.
Bất đồng quan điểm chốn công sở là điều cần thiết để thúc đẩy các cá nhân cùng nhau phát triển toàn diện hơn. Những chiến lược trên không đảm bảo rằng cuộc tranh luận sẽ đúng như bạn mong muốn. Tuy nhiên, chúng có thể cải thiện đáng kể tỉ lệ xảy ra xung đột khi bất đồng ý kiến và giúp bạn thực sự hiểu thêm về đồng nghiệp đang làm việc với mình hàng ngày.